Cảm thụ âm nhạc
Mỗi cây đàn là một tâm hồn biết hát
“Mọi thứ trên đời khi được làm ra dưới bàn tay con người đều có cảm xúc ít hay nhiều trong đó. Một chiếc khăn thêu, bộ ấm chén, một chiếc áo, vài nét bút, thậm chí chiếc đồng hồ… đều tạo cảm giác cho người nhìn chúng, và nói nôm na là chúng có cảm xúc, ẩn bên trong là năng lượng của người làm ra chúng, những yếu tố vô hình mà chỉ cảm nhận mới thấy chứ chưa nói đến một cây đàn Guitar.”
—-‐————–
Tình cờ có mấy bạn hỏi tôi về vấn đề đàn guitar, rằng nó có kiểu âm tình cảm hoặc khô khan không hay chỉ đơn thuần là yếu tố vật lý tạo nên độ to nhỏ, xa gần. Họ thắc mắc rằng âm thanh mỗi cây guitar có tính chất khác nhau như tươi sáng, u uẩn, nóng bỏng, lạnh lẽo không hay chỉ đơn thuần là do người chơi truyền đạt hoặc do bài nhạc truyền tải vào tạo ra mà thôi.
Câu trả lời của tôi là CÓ, trong mỗi cây đàn ít nhất đều có tâm huyết, tính cách và tâm hồn của người làm ra nó.
Mỗi cây đàn khi sinh ra đã có tính cách riêng, thế nên mới có 2 loại mặt gỗ Spuce (Âm sáng kiểu đèn led, tạch bạch), gỗ Cedaz (âm ấm và sáng như đèn vàng), rồi các hệ nan khác nhau, phong cách từng nhà làm đàn khác nhau… chưa nói đến các loại dây đàn hỗ trợ cũng đã khác nhau quá nhiều.
Chả thế mà ngay đến TBN – xứ sở của bò tót và guitar cũng còn có 2 trường phái Madrid (âm nồng ấm và rực rỡ), Granada (âm dịu dàng, tươi tắn).
Nói ra như trên có vẻ sách vở, vậy tôi lấy một ví dụ thế này:
Một người phụ nữ sinh ra có đôi mắt buồn, đôi mắt ướt như trực khóc nhưng không có nghĩa cả cuộc đời cô không có nổi vài khoảnh khắc vui tươi của tình yêu đôi lứa. Ngược lại, một anh chàng sinh ra đã có nét mặt dí dỏm tươi vui nhưng không có nghĩa anh thoát được cảnh thất tình, đôi lần muốn uống thuốc trừ sâu. Vậy tại sao một cây đàn guitar khi sinh ra nó lại không mang một vẻ riêng từ hình thức đến âm thanh?
Quay lại guitar, vài loại đàn TBN như Jose Ramirez, Bernabe, Picado cứ thử chơi Asturias hay Capricho Arabe xem nó có dậy lên cái vị nồng nàn mãnh liệt và ướt át không nhé. Chơi thử vài nốt hoặc vài bài như Preludio 5 (Villa Lobos), Cavatina… trên cây Hauser, Sakurai, Connor… xem âm có trong lành mát mẻ, tinh khôi như đi giữa một vườn hoa không. Mỗi cây đàn, thậm chí cách chọn dây đã phần nào tạo cảm giác cho người chơi muốn đàn bài gì rồi.
Con người có người hời hợt, có người sâu sắc thì cây đàn cũng thế. Có cây hời hợt đến nỗi mà theo như các cụ gọi là “thùng rỗng kêu to” còn tôi hay gọi là “chưa oánh đã khai”, kiểu kêu to mà chả có chút chiều sâu tinh tế nào nên mang ra chỗ rộng là hỗn tạp, mờ mịt, u mê… Ngược lại, nhiều cây đàn như Hauser, Muller, Marin, Sakurai, Bernabe, Raimundo, Nakade.. thì âm điệu rất nhẹ nhàng mà sâu thăm thẳm, tạo nên một cảm giác tươi tắn yêu đời. Có cây thé lẹ đanh đá, lắp dây gì nghe lâu cũng mệt tai nhưng lại có cây lắp dây gì cũng nghe thấy chất dõng dạc, chắc chắn, hài hòa của âm thanh.
Như con người vậy, mỗi một cây đàn là một thế giới thu nhỏ, một tâm hồn với đủ tính cách để người chơi hay bản nhạc thổi vào nó, nhưng chớ nên phủ nhận khi sinh ra nó đã có một thiên hướng, một kiểu âm thanh với tính cách đặc điểm riêng.
Nếu ai đó nghĩ mỗi cây đàn không có tính cách riêng, không có lối phát âm ra màu sắc riêng là họ đang phủ nhận bao cảm xúc, tâm huyết của người chế tác ra, đối với tôi đơn giản họ chưa thực sự yêu đàn.
Có lẽ họ chưa một lần cảm thấy có thể nhân hóa cây đàn guitar đến độ giống như một người bạn tâm tình với những đường cong tuyệt mỹ và âm thanh muôn màu, muôn vẻ mà mỗi cây đàn lại có sự khác nhau rất rõ rệt.