Cảm thụ âm nhạc
Quan điểm về một cây đàn hay
Sáng nay 7h30 đã dậy, trăn trở vì gần 2 tháng không bán được cây đàn nào.. viết 1 bài để xả strees vậy..
THẾ NÀO LÀ MỘT CÂY ĐÀN HAY?
(Bài viết dựa trên chủ quan và ý kiến riêng)
Quan điểm về một cây đàn hay luôn là chủ đề tranh cãi bất tận, đôi khi nó phụ thuộc vào yếu tố không gian (rộng, hẹp, tĩnh, ồn) và thời gian (tâm lý vui buồn, nóng ruột, bình tĩnh…), tuy nhiên có một điều chắc chắn chúng ta phải luyện được cách nghe để sớm nhận biết được một cây đàn hay hoặc dở phụ thuộc qua các yếu tố sau:
– Độ chắc của tiếng đàn (độ sâu): dùng từ chắc là giản dị và dễ nhận biết nhất.
Khi một âm thanh chắc tức là khi bạn chơi siêu nhẹ thì vẫn thấy tiếng đàn đó nét căng và không tạo cảm giác mất tập trung. Nốt treble và bass cần tạo cảm giác đầy đủ khi ngân lên, nói đơn giản là nó cần “xuống” được chứ không lưng lửng.
– Sự cân bằng: Đó là sự hài hòa của các dây đàn. Các hợp âm vang lên tạo cảm giác dễ chịu, tôi đang nhấn mạnh ở từ “dễ chịu” – đó là cảm giác quan trọng nhất để đánh giá sự cân bằng của 1 cây đàn. Đôi khi bè bass lấn át bè treble và ngược lại, bè treble lấn át bè bass. Một trường hợp nữa, nhiều cây đàn có những dây tạo cảm giác “lạc loại” với các dây còn lại.
– Độ sạch (tĩnh): Đây là tiêu chuẩn vô cùng khó của một cây đàn guitar. Bạn chỉ có thể cảm nhận rõ điều này khi chơi trên những cây đàn thực sự đẳng cấp. Bởi vì muốn có độ tĩnh tại của âm thanh thì bạn cần đạt được một âm thanh “chắc” trước, tiếp đến là sự cân đối của các bè. Nếu ai đã thử qua Hermann Hauser hoặc Ignacio Fleta hoặc đơn giản hơn là Sakurai PC… chúng ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến một mặt nước ao quạnh quẽ trong ngày đông lạnh lẽo. 1 nốt nhạc tĩnh vang lên như thể một kiếm sĩ Sakurai ngồi trên thềm nhà lặng lẽ nhìn mưa rơi. Nói thế không phải ví âm thanh của một cây đàn có độ sạch cao là phải lạnh lẽo như thế mà đó là một cảm giác rất tinh tế khó diễn tả bằng lời.
Nói giản dị hơn, một cây đàn có âm thanh tĩnh tức là nó đã bao gồm thêm độ “chắc” và sẽ có ưu điểm vang xa hơn các cây đàn kêu to ồn ào thông thường, khi ra xa vẫn nghe thấy tiếng đàn nét và rõ dù âm thanh đã nhỏ do khoảng cách.
– Âm lượng: Âm lượng rất quan trọng đối với đàn guitar, vốn là một nhạc cụ có điểm yếu về vấn đề này. Âm lượng tốt sẽ giúp người chơi dễ tập luyện và người nghe thấy thoải mái, nhưng để có một cây đàn âm lượng tốt mà hay thì là vấn đề khó của các nhà làm đàn bởi âm lượng càng lớn thì nó lại cần 2 yếu tố vô cùng quan trọng đó là độ sạch (tĩnh) và độ chắc của âm thanh.
– Sự thay đổi âm sắc (nhạy cảm): một cây đàn nhạy cảm và giàu màu sắc, cá tính luôn thúc đẩy người chơi muốn thay đổi vị trí gảy của tay phải. Một tính năng vô địch của guitar là âm sắc, gảy sát ngựa âm sẽ đanh, gảy gần hơn vào lỗ cộng hưởng thì âm mềm và ấm hơn. Một cây đàn nhạy cảm tạo ra sự khác biệt rất rõ ngay cả khi tay phải xê dịch chỉ vài mm, đến mức độ người chơi vô thức nhận ra và tự xuất hiện nhu cầu muốn làm nó phong phú hơn nữa. Nói nôm na, một cây đàn nhạy cảm và giàu màu sắc sẽ làm người chơi dễ hòa nhập với âm nhạc hơn. Về yếu tố này, đàn Tây Ban Nha là “chuyên gia” bởi sự cá tính trong chính con người của xứ sở bò tót.
– Sự quyến rũ: Đây là một yếu tố mang sự cảm tính nhiều nhất, nhưng với tôi, âm thanh quyến rũ là cảm giác dễ nhận biết nhất, nó trực giác và hoàn toàn vô tư. Một âm thanh vừa vang lên đã tắt ngúm như chú dơi đang bay lưng đèo bất chợt bị bắn hạ thì khó có cảm giác hay được. “Dư âm” của tiếng đàn là quan trọng nhất để hình thành nên một âm thanh quyến rũ. Mỗi âm thanh có dư âm (cộng âm, bội âm) vang lên liên tục tạo nên sự hòa quyện của các âm thanh, sẽ dễ lôi cuốn người nghe. Đó là lý do Daniel Friederich lên ngôi bởi những tiếng cộng âm kỳ lạ như đến từ thiên đường cũng như những âm thanh đẹp đến nao lòng của Hermann Hauser, trong vắt như pha lê…
Đúng vậy, tổng hòa của tất cả có lẽ là sự quyến rũ của âm thanh, nó bao gồm mọi yếu tố từ khách quan đến chủ quan để tạo nên một cây đàn xuất sắc.
31/10/2023
Vu Hien