Bí mật của âm thanh

Con người hay một sinh linh nào đó, thậm chí vạn vật xung quanh đều có những bí mật thầm kín, và âm thanh cũng có bí mật của nó.

Nếu bạn không tin, hãy thử thay vì cất tiếng gọi “mẹ ơi” bằng lời thì hãy gọi 2 tiếng đó ở trong tâm tưởng của bạn, khi ấy bạn sẽ thấy điều tôi nói có gì đó cần suy nghĩ. 

Và sau đây là câu chuyện của tôi.

    Năm 22 tuổi, tôi lên Sơn La lập nghiệp, dạy guitar. Tuổi trẻ xốc nổi, làm ăn không khéo, tôi 4,5 lần chuyển chỗ trọ, cứ mỗi lần chuyển là một lần phòng trọ mới lại tiều tuỵ hơn một chút. 

Lần cuối cùng, tôi thuê trọ trên đồi Trâu, xung quanh là các phòng trọ của những người làm lao động phổ thông, đêm đến họ rất cần nghỉ ngơi để bắt đầu cho một ngày mới đầy vất vả, nhưng ngày nào cũng thế, tối mịt tôi mới về và tranh thủ tập đàn. Các phòng trọ tồi tàn đến nỗi các vách ngăn giữa 2 phòng chỉ là những tấm cót ép ghép vào nhau, cho nên 1 tiếng động nhẹ phòng bên này cũng sẽ làm phòng bên cạnh nghe thấy. Cách duy nhất để tôi tập đàn mà không làm ảnh hưởng đến hàng xóm là chơi thật khẽ, thậm chí không phát ra tiếng động. 

Nhiều ngày như thế, đôi tay tôi ngày càng nhẹ dần, tôi cảm thấy thật dễ chịu khi di chuyển, nhưng cảm giác vô cùng bức bối vì không dám chơi mạnh thường xuyên. 

   Dần dần cứ đêm đến, tôi bị một cảm giác là thèm tiếng động. Tiếng xe máy hay tiếng người nói từ đâu vọng tới cũng làm tôi vui hơn. Và một suy nghĩ chợt nảy ra trong đầu, cần nghĩ đến giai điệu một cách thật cụ thể và rõ ràng khi tập kiểu không phát ra tiếng động này. 

    Từ đó, tôi quên luôn đôi bàn tay của mình, tôi không còn cố quan tâm nó đang ở đâu khi chơi nữa, điều tôi muốn là tôi cảm nhận từng âm thanh đang vang lên trong đầu tôi sẽ được chuyển tải ra bằng đôi tay mình một cách chân thực nhất. 

Đôi lúc tôi chơi to hơn, tôi thấy âm thanh nhiều khi thật êm, thật dịu và nhiều cảm xúc, hơn rất nhiều với trước kia khi tôi cố gắng gảy mạnh từng tiếng đàn.

Tôi hiểu ra một điều, những âm thanh đang vang lên trong tâm tưởng mình là những âm thanh trong sạch nhất, âm thanh đẹp nhất vì nó chẳng bị gò ép, chẳng có ngoại lực tác động một cách thô kệch như tôi vẫn thường làm thế. 

Tôi bắt đầu tìm mọi cách để đạt được một điều là tất cả âm thanh trong lòng mình sẽ đều được đôi tay phát ra một cách trung thực nhất. 

    Trong giấc ngủ tôi cũng nghe thấy những âm thanh từ đâu vọng tới, biết bao cảm xúc cứ đến rồi đi theo từng giai điệu. Tôi nhớ lại tất cả những giai điệu tôi từng nghe qua chiếc âm li hồi còn ở nhà, tôi nhớ lại những bản concerto piano của Mozart, những khúc nhạc thổn thức của Chopin, thả mình theo những giai điệu nồng nàn của Barrios, Antonio Lauro… Dần dần tôi nhận thấy âm nhạc không chỉ đang nhảy nhót trong đầu tôi, mà còn trong cả trái tim tôi. Tôi khao khát chơi được những âm thanh ấy, đôi tay tôi nhúc nhích cả trong giấc ngủ. Đấy cũng là thời điểm tôi viết được bản nhạc đầu tay: “Thao thức”.

     Mỗi khi cần nói một lời tốt đẹp, các bạn hãy thử nói trong lòng trước, nhưng hãy cháy bỏng và đầy yêu thương, bạn sẽ thấy trái tim mình như tan chảy, khi ấy hãy thốt lên một cách tự nhiên nhất: Anh yêu em, cháu yêu bà, anh yêu Milu… Các bạn sẽ thấy âm thanh vang lên trong im lặng thật tuyệt vời biết bao, và khi mang được thứ âm thanh đó ra ngoài bằng cách nào đó thì sẽ còn tuyệt vời hơn rất nhiều!

    “Bí mật của âm thanh” đơn giản chỉ nhắc nhở chúng ta một điều rằng: Sự khao khát sẽ lớn lên từ trong im lặng, nó sẽ vượt qua mọi khuôn khổ chật hẹp, vượt qua mọi vách ngăn để mang đến sự tự nhiên nhất, nhân văn nhất, đau khổ nhất, vui sướng nhất và yêu đời nhất… 

   Đối với tôi, đó cũng là một trong những món quà mà cuộc sống đã dành tặng, và tôi yêu tiếng đàn của chính mình. Nói nghe có vẻ hơi tự khen mình nhỉ? Nhưng không phải đâu, chỉ là một chút tự hào của bản thân tôi đấy thôi.

    Các bạn thấy thế nào? Hãy nhắm mắt và thử nghĩ về một âm thanh thân thương, có thể là một lời nói hay một giai điệu nào đó nhé, hãy thử để nó vang lên trong lòng trước rồi hãy nói ra sau nhé, điều kỳ diệu sẽ đến, hãy tin tôi!